Ngày đăng: 02-05-2018
Ba năm sau khi Quy chế gỗ của châu Âu (EUTR) được ban hành, các quan chức chính phủ các quốc gia EU tuần này đã có các hành động công khai đầu tiên đối với các quy định về nhập khẩu gỗ có nguồn gỗ từ rừng tự nhiên bất hợp pháp.Thụy Điển và Hà Lan đã chính thức thông báo tới hai công ty nhập khẩu các sản phẩm gỗ từ Cameroon và Myanmar, cáo buộc các công ty này không thực hiện đúng quy định được đưa ra trong EUTR và do vậy có thể bị xử phạt.
Những vụ việc này đánh dấu sự khởi đầu về việc gia tăng các hành động của các cán bộ thực thi pháp luật tại EU và những thay đổi căn bản đối với các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU từ các nước nơi tình trạng vi phạm lâm luật và tham nhũng trong ngành lâm nghiệp vẫn còn tồn tại phổ biến.
Theo EUTR việc đưa gỗ bất hợp pháp vào tiêu thụ tại thị trường châu Âu sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Để giảm thiểu các rủi ro này, tất cả các công ty tư nhân của Châu Âu buộc phải tuân thủ theo các quy định được yêu cầu, bao gồm việc hình thành hệ thống thu thập và lưu trữ các bằng chứng chi tiết về gỗ và lâm sản mà công ty nhập khẩu.
Các hành động của các cơ quan thực thi pháp luật của EU trong tuần này chủ yếu là các biện pháp dân sự nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ gỗ có khả năng bất hợp pháp. Đây không phải là các vụ án hình sự như các vụ án đã được khởi tố tại Hoa Kỳ trong khuôn khổ của các đạo luật tương tự (luật Lacey Act). Tuy nhiên, nếu các công ty nhập khẩu không có những hành động phù hợp trong khoảng thời gian quy định, các biện pháp xử phạt có thể được áp dụng. Vụ án xảy ra với công ty tại Hà Lan đã được đệ trình công tố viên và có khả năng trở thành một vụ án hình sự. Điều này đang chờ quyết định.
Vụ án gỗ nhập khẩu từ Cameroon vào Hà Lan
Cơ quan An toàn Thực phẩm và Tiêu dùng của Hà Lan (NVWA) đã ban hành lệnh Fibois BV Purmerend về việc nhập khẩu gỗ từ công ty TNHH CCT ở Cameroon. Nếu công ty Hà Lan không ngừng việc nhập khẩu gỗ từ công ty này vào Hà Lan thì công ty nhập khẩu sẽ phải chịu phạt. Theo Liên minh thương mại gỗ Hà Lan (VVNH), công ty nhập khẩu này có kế hoạch tuân thủ quy định của chính phủ. Ngoài ra, vụ án đã được gửi đến Văn phòng công tố viên quốc gia, và có thể được đưa ra trước thẩm phán, khả năng áp dụng chế tài hình sự.
Cơ quan NVWA đã chỉ ra rằng công ty nhập khẩu không hoàn thành nghĩa vụ trách nhiệm giải trình của mình như trong EUTR đã quy định, nhằm giảm thiểu “nguy cơ khai thác gỗ bất hợp pháp” trong việc mua gỗ từ Cameroon, nơi nguồn gốc của gỗ tiềm ẩn những rủi ro có liên quan đến “tình hình chính trị ở lưu vực sông Congo.”
Hà Lan là nhà nhập khẩu gỗ từ Cameroon lớn thứ bảy của châu Âu. Ngoài Hà Lan, gỗ nhập khẩu từ Cameroon cũng quan trọng tại các thị trường như Bỉ, Ý, Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Sản phẩm gỗ Châu Âu nhập khẩu từ Cameroon
Cameroon cũng là nhà cung cấp gỗ quan trọng cho thị trường Mỹ, nơi Đạo luật Lacey cấm nhập khẩu gỗ khai thác trái phép. Trong năm 2015, Hoa Kỳ đã nhập khẩu khoảng 45 triệu USD gỗ từ Cameroon.
Sản phẩm gỗ Hoa Kỳ nhập khẩu từ Cameroon
Vụ việc gỗ Myanmar nhập khẩu vào Thuỵ Điển qua Thái Lan
Các nhà chức trách Thụy Điển cũng giải quyết một vụ nhập khẩu của công ty TNHH Retlog, liên quan đến sàn gỗ tếch được chế biến ở Thái Lan, từ nguồn gỗ tròn có xuất xứ từ Myanmar.
Kiểm toán viên của các hệ thống kiểm soát lâm sản hiện tại cho rằng sẽ rất khó khăn để có thể giám sát hiệu quả chuỗi cung ứng đa quốc gia. Vì vậy vụ việc này nêu bật tầm quan trọng của EUTR trong việc yêu cầu các công ty thực hiện trách nhiệm giải trình.
Trong vụ việc này, cơ quan thực thi pháp luật sử dụng tiêu chí tỉ lệ tham nhũng trong ngành lâm nghiệp tại quốc gia gỗ được khai thác là cơ sở cho việc xác định rủi ro. Tiêu chí này cũng được áp dụng trong Tài liệu hướng dẫn thực hiện Quy chế gỗ châu Âu tháng 2-2016 do Ủy ban châu Âu ban hành vào tháng Hai, trong đó chỉ ra rõ ràng rằng tham nhũng là một tiêu chí đánh giá rủi ro trong hệ thống tuân thủ Trách nhiệm giải trình trong khuôn khổ EUTR.
Ý nghĩa toàn cầu
Trong khi rất khó để đánh giá tầm quan trọng mang tính tương đối của các hình thức thương mại gỗ gián tiếp từ Myanmar đối với các thị trường khác nhau, phân tích dữ liệu thương mại toàn cầu cho thấy dòng chảy thương mại gỗ trực tiếp từ Myanmar sang các quốc gia thành viên châu Âu, Mỹ và Úc.
Gỗ Myanmar xuất khẩu sang Úc, châu Âu và Mỹ năm 2014
Gỗ Myanmar xuất khẩu sang Úc, châu Âu và Mỹ năm 2014
Theo Tổ chức Hòa Bình xanh (Greenpeace), một lượng lớn gỗ CCT cũng đã được tìm thấy ở các bến cảng của Trung Quốc để chế biến thành vơ-nia và các bộ phận của đồ gỗ, có vẻ như sẽ được sử dụng làm đồ gỗ hoặc các loại ván.
Kiểm soát luồng đi của gỗ có nguy cơ cao được xuất qua Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia chế biến khác là một trong những thách thức lớn nhất đối với các nhà nhập khẩu tại Mỹ, châu Âu và Úc. Trong một nghiên cứu của Chính phủ Anh công bố vào năm 2014, gần 70% trong một mẫu các loại ván dán nhập khẩu được cung cấp bởi các nhà xuất khẩu Trung Quốc có tên loài gỗ không chính xác. Sai tên gỗ cũng tìm thấy trong cả phần lõi và vơ-nia phía bên ngoài. Các cơ quan thực thi pháp luật khác của châu Âu đang xem xét nhân rộng phương pháp và /hoặc sử dụng để hiểu rõ hơn về mức độ rủi ro trong lĩnh vực nội thất nhập khẩu. Đáng chú ý là trong thông cáo báo chí của Chính phủ Hà Lan đưa ra thông tin rằng việc thực thi luật pháp trong thời gian tới sẽ tập trung vào đồ nội thất nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.
Trường hợp công ty ở Thụy Điển cũng quan trọng bởi vụ việc này có sự liên quan Tổ chức Giám sát mang tên Bureau Veritas. Theo những tài liệu đã được công bố, Bureau Veritas coi các lô hàng dưới 1.000 m3 tương đương với ba tàu container sẽ là rủi ro không đáng kể. Quy chế EUTR hay bất kỳ hướng dẫn nào đều không đưa ra một ngưỡng như vậy, vì vậy không hiểu dựa trên cơ sở nào họ đưa ra ngưỡng đó. Có vẻ trong tương lai công ty sẽ không tiếp tục sử dụng ngưỡng này.
Đồ gỗ nội thất của Trung Quốc xuất khẩu sang Úc, Châu Âu và Mỹ
Gỗ dán của Trung Quốc xuất khẩu sang Úc, châu Âu và Mỹ
Ngoài việc thay đổi các nguồn cung nguyên liệu của Retlog và các công ty tương tự, vụ việc này có thể có ích trong việc cải thiện các tiêu chuẩn giám sát của các Tổ chức giám sát, những cơ quan có khả năng đóng một vai trò quan trọng trong việc tuân thủ các quy định trong tương lai, đặc biệt đối với các công ty quy mô nhỏ tại Châu Âu.
Những bước đầu tiên quan trọng, tuy vậy còn nhiều việc cần làm
Những vụ việc đầu tiên cho thấy các nhà quản lý châu Âu sẵn sàng đối mặt với thách thức trong việc thực thi luật mới phức tạp này, và những kỳ vọng thực tế về hiệu quả của các hệ thống quy định trách nhiệm giải trình đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn đối với cả các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải chờ xem sẽ còn phải mất bao lâu để chính phủ nước sản xuất và các nhà cung cấp sẵn sàng đối mặt với thực thi pháp luật và sẵn sàng với các thách thức trong chuỗi cung ứng.
Ý nghĩa đối với Việt Nam
Tín hiệu về tăng cường các khâu quản lý có liên quan đến quy định trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp trong khuôn khổ Quy định về Gỗ của EU đưa ra một số thông điệp quan trọng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Hiện Việt Nam đang xuất khẩu nhiều chủng loại mặt hàng gỗ sang EU (EU là thị trường lớn thứ 4 đối với mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam), trong đó bao gồm một số sản phẩm còn chưa được kê khai nguồn gỗ gốc và một số lượng ít sản phẩm có nguồn gốc gỗ không rõ ràng. Đây là những rủi ro cho các doanh nghiệp trong bối cảnh cơ quan quản lý của EU đang thắt chặt các biện pháp kiểm tra giám sát. Bên cạnh đó cơ quan quản lý của Hà Lan tăng cường kiểm tra giám sát nhập khẩu các sản phẩm đồ gỗ nhập khẩu từ 3 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã gửi đi thông điệp rõ ràng tới ngành chế biến gỗ. Ngành chế biến xuất khẩu gỗ của Việt Nam cần có những chuẩn bị và thay đổi cần thiết nhằm giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh các nhà quản lý tại Châu Âu đang gia tăng các biện pháp quản lý, đòi hỏi các doanh nghiệp nhập khẩu thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình.
Jade Saunders và Tô Xuân Phúc
(Forest Trends)