Ngày đăng: 10-02-2020
Tự hào về xuất xứ hàng hóa quốc gia cũng là một liều thuốc tinh thần giúp doanh nghiệp trong nước nhiệt huyết hơn, vững tin và sáng tạo trên con đường kinh doanh.
Trước thềm năm mới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh dành những chia sẻ thú vị về Thông tư quy định các vấn đề liên quan đến “Made in Việt Nam”.
Năm 2019, thị trường trong nước chứng kiến những tranh luận gay gắt về việc như thế nào thì một sản phẩm, hàng hóa được coi là sản phẩm của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam. Thời gian gần đây có một thực tiễn đáng mừng. Đó là chất lượng của những mặt hàng do Việt Nam sản xuất đang ngày càng được ghi nhận, cả trong nước và quốc tế. Mẫu mã đa dạng hơn, bao bì đẹp, chất lượng được cải thiện đáng kể, từ đó chiếm được lòng tin và tình cảm của người tiêu dung. Các nhà sản xuất, vì vậy, đã tự tin hơn rất nhiều khi gắn mác Sản xuất tại Việt Nam lên sản phẩm của mình, không như trước đây, nếu gắn nhãn Sản xuất tại Việt Nam thì thường xuyên phải quảng cáo là hàng xuất khẩu cho dễ tiêu thụ.
Song song với thực tiễn đáng mừng trên, đã rải rác xuất hiện một hiệu ứng phụ làm chúng ta rất không hài long. Cụ thể là, một số doanh nghiệp, dù biết chắc sản phẩm mà mình bán ra không phải sản phẩm Việt Nam nhưng vẫn gắn nhãn Sản xuất tại Việt Nam để dễ tiêu thụ. Điển hình như vụ KhaiSilk hay một vài vụ việc khác được cơ quan chức năng phát hiện ra trong thời gian gần đây.
Cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn Sản phẩm của Việt Nam hay Sản xuất tại Việt Nam.